Gần Như Là Nhà

                    Lượn lờ trong nhà sách Đà Nẵng, một buổi chiều muộn tháng 7 oi ả, mình vô tình bắt gặp một cuốn sách với gam màu xanh vàng bắt mắt được đặt ngay ngắn trên kệ và bọc ni-lon kĩ càng. Một vài dòng review nhẹ nhàng sau sách, cũng chẳng phải điều gì to tát, chỉ là nó quá phù hợp với tâm trạng của một kẻ xa quê như mình. “Gần như là nhà”.

                  Cuốn sách nói về hành trình trưởng thành của những người Việt trẻ trên thế giới, nhưng có lẽ không phải ai cũng có thể ngấu nghiến một cách ngon lành. Nó sẽ thích hợp hơn với những người đã từng sinh sống, làm việc hoặc định cư ở nước ngoài, bởi bao trùm cuốn sách là những tâm tư tình cảm, nỗi nhớ quê hương da diết, và sự chông chênh của một thế hệ trẻ khi đứng giữa Đông và Tây, giữa đi và ở, giữa hòa nhập và hòa tan. Nó giống như việc bạn đứng từ mỏm đá này và nhảy sang mỏm đá khác, để rồi khi quay đầu nhìn lại bạn mới có thể thấy được rõ nơi mà mình đã đứng trước kia.

            Mình chọn “Gần như là nhà” bởi mình cũng đã từng hào hứng để được bước ra thế giới, đã từng mơ mộng về việc vỗ ngực xưng tên là ta đã vươn tầm quốc tế cho đến khi lạc lối trong văn hóa, ngôn ngữ, và cuộc sống bản địa. Ở Việt Nam, bạn có thể là “một ai đó”, nhưng bước chân ra khỏi dải đất hình chữ S, bạn chỉ còn đúng cái tên cúng cơm trong giấy khai sinh của gia đình (thậm chí chính cái tên đó cũng bị lộn ngược lộn xuôi). Đó là một giảng viên Đại học ở Việt Nam phải cong lưng quét dọn nhà bếp để lấy 7.87 bảng/ giờ. Là những lúc phải lao động chân tay đến mỏi nhừ rồi ba chân bốn cẳng chạy lên giảng đường. Đó là khi bạn vui mừng khôn xiết khi gặp đồng hương ở một miền đất xa lạ, rồi cả hai kéo nhau đến húp xì xụp một tô phở giữa tiết trời lạnh giá. Hay thậm chí là cái cảnh vạ vật ở sân bay và nhận được những cái bĩu môi của nhân viên xuất nhập cảnh chỉ vì quyển hộ chiếu có hình bông lúa, và rồi bạn suy nghĩ đến việc phải đổi màu cho nó. Đó cũng là một nghiên cứu sinh Tiến sĩ bỏ ngang việc học và dắt người chồng ngoại quốc của mình về lại quê hương chỉ để được đắm mình trong mùi hoa sữa Hà Nội. Đó cũng là một cô gái gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Pháp, nhưng rồi lại quyết định tìm về nguồn cội của mình. Và đó là khi bạn đã sống ở nước ngoài đủ lâu, đủ để chôn vùi nỗi nhớ xuống tận đáy lòng, nhưng vẫn nghe nhạc của Sĩ Phú, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy trong những đêm đông lạnh giá, để rồi cảm thấy nơi mình đang sống chỉ “gần như là nhà”.

            “Gần như là nhà” là những gì bình thường nhất, giản dị nhất mà ai cũng đã từng gặp phải, đã từng chông chênh, đã từng đắn đo và suy nghĩ. Là một cuốn sách chẳng có gì đáng để bạn phải đem đi khoe mẽ cho đến lúc bạn cảm nhận nó bằng chính con tim của mình.

Leave a comment